Hộ khẩu để điều tiết học sinh
Theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp UBND TP Hà Nội phê duyệt, công tác tuyển sinh đầu cấp (mầm non, lớp 1 và lớp 6) năm học 2021 – 2022 của các trường trên địa bàn TP Hà Nội tiếp tục duy trì phương thức xét tuyển theo tuyến. Tương tự, phương án tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2021-2022 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (GD&ĐT) công bố, có một số điểm mới về khu vực tuyển sinh. Theo đó, thí sinh phải đăng ký nguyện vọng thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định. Trường hợp thí sinh muốn thay đổi nguyện vọng tuyển sinh đổi khu vực tuyển sinh khác với hộ khẩu thường trú phải có xác nhận của địa phương nơi cư trú hoặc phải chấp nhận giảm bớt nguyện vọng.
Theo ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, quy định học sinh đăng ký nguyện vọng dự tuyển theo hộ khẩu thường trú nhằm bảo đảm việc thực hiện phổ cập giáo dục trên địa bàn, đảm bảo quy hoạch mạng lưới trường học của thành phố, giảm bớt áp lực đồng thời tránh những xáo trộn không cần thiết trong công tác tuyển sinh. Quy định này được xây dựng trên căn cứ thực tế khảo sát ở kỳ tuyển sinh của các năm học trước. Trên địa bàn TP Hà Nội có hiện tượng học sinh đăng ký hộ khẩu một nơi nhưng cư trú thực tế tại nơi khác, số lượng học sinh xin đổi khu vực tuyển sinh ở những năm học trước là không nhiều.
Theo giải thích của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, quy định tuyển sinh theo hộ khẩu nhằm “điều tiết” số lượng học sinh giữa các quận, huyện. Thầy Nguyễn Quốc Bình, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết, những năm trước, tuyển sinh lớp 10 vẫn có quy định về khu vực tuyển sinh, học sinh hộ khẩu ở đâu sẽ đăng ký ở đó, nhưng các em vẫn có thể điều chỉnh khu vực tuyển sinh theo mong muốn để thuận tiện cho việc đi lại và nhu cầu học tập. Ví dụ, thí sinh có hộ khẩu tại quận Hoàn Kiếm, nhưng nhà lại ở quận Nam Từ Liêm thì vẫn có thể đăng ký vào trường ở quận Nam Từ Liêm. Hay những thí sinh ở khu vực giáp ranh giữa 2 quận, thì sẽ được chọn trường ở quận nào thuận tiện hơn. Thầy Nguyễn Quốc Bình cũng thông tin, những năm trước, nhiều phụ huynh vẫn dựa vào quy định này để chọn trường cho con, gây mất cân đối giữa các khu vực tuyển sinh.
“Nhiều phụ huynh có tâm lý quận này quận kia có trường tốt hơn, nhưng thực tế chất lượng các trường gần như tương đương nhau về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Đương nhiên cũng có những trường có thương hiệu hơn, cha mẹ nào cũng muốn con vào. Quy định mới của Sở GD&ĐT Hà Nội được đưa ra để cân đối giữa các khu vực, tránh tình trạng nơi quá tải, chỗ thiếu thí sinh”, thầy Bình cho biết.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng cho rằng, chọn trường tốt cho con là mong muốn chính đáng của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, cũng cần những chính sách để điều phối, tránh trường hợp một lượng lớn học sinh đổ dồn về các trường được cho là có chất lượng tốt hơn, ngược lại, có trường lại thiếu học sinh.
Quy định hộ khẩu có còn phù hợp?
Hơn nữa, theo Luật Cư trú 2020, từ ngày 1/7/2021, chính thức bỏ Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú, thay vào đó, người dân khi thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú sẽ được cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi cư trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú thay vì cấp Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan về vấn đề này, thầy T.M.T- giáo viên dạy Toán ở Hà Nội đặt câu hỏi, sổ hộ khẩu giấy chính thức bị xóa bỏ theo Luật Cư trú 2020 vào ngày 1/7 tới đây, thì quy định tuyển sinh theo hộ khẩu có thực sự cần thiết.
Nhiều ý kiến cho rằng quy định hộ khẩu trong tuyển sinh nhằm mục đích điều tiết học sinh giữa các trường và các quận huyện. Thầy T.M.T cũng cho rằng, việc lấy học sinh để nâng cao chất lượng giáo dục là phản khoa học, bởi nhà giáo mới chính là người quyết định chất lượng giáo dục. Để nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường và từng khu vực tuyển sinh thì các trường phải đổi mới quản lí, nâng cao chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, phương tiện dạy học… “Nếu áp dụng quy định cơ học là phương án hộ khẩu để điều tiết học sinh thì chất lượng giáo dục sẽ chỉ “cùn đi”, thầy T.M.T đánh giá. Theo thầy T.M.T, hiện nhiều trường đang đào tạo và xây dựng học sinh thành “công dân toàn cầu” thì quy định học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 theo hộ khẩu lại đang trói buộc các trường vào cái sổ hộ khẩu.
Một số phụ huynh cho rằng, những trường THPT ở nội thành được đầu tư về cơ sở vật chất và con người hơn những trường ở ngoại thành. Trong khi đó, học sinh có nguyện vọng được lựa chọn môi trường học tập chất lượng là chính đáng. Do đó, những quy định về hộ khẩu trong tuyển sinh sẽ kéo theo một “làn sóng” mua nhà, chuyển hộ khẩu… vào các quận nội thành. Chưa kể có thể nảy sinh hàng loạt tiêu cực, gian dối trong việc xin xác nhận ở việc nhập khẩu, chuyển khẩu, tiêu cực ở khâu nộp đơn, xem xét đơn đổi khu vực tuyển sinh…