5. Thư giới thiệu Trước đây mình từng thử nộp học bổng của trường bên Hà Lan và Phần Lan thì mình nhận thấy các trường châu u thường khá thoải mái về thư giới thiệu, nghĩa là không quy định nội dung hay độ dài thư mà chỉ cần viết ra đúng như một bức thư là được. Tuy nhiên, thư giới thiệu cho hồ sơ MBA của Mỹ có những điểm khác như sau: – Bạn sẽ được yêu cầu gửi thông tin của khoảng 2 người là sếp trực tiếp hoặc thầy cô từng dạy bạn. MBA yêu cầu BẮT BUỘC 1 hoặc cả 2 người phải là sếp trực tiếp, trong khi MSc và MA thường yêu cầu bắt buộc 1 trong 2 người phải là thầy cô. – Trong khi điền đơn xin nhập học, bước cuối cùng là điền thông tin của người viết thư giới thiệu. Bạn phải điền địa chỉ email của người đó (nên điền mail công ty vì nếu mail cá nhân như gmail hoặc msn thì trường sẽ phải thêm 1 bước xác thực nữa), sau đó hệ thống sẽ tự động gửi email về hòm thư của họ, trong đó sẽ có đường link để họ bấm vào và trả lời rất nhiều câu hỏi cụ thể mà trường đặt ra, có cả trắc nghiệm và tự luận, vì vậy việc một số bạn sinh viên khi nộp hồ sơ hay “viết sẵn” thư giới thiệu để người đó điền vào sẽ chỉ có tác dụng tham khảo vì bạn không thể biết là trường hỏi cái gì. – Bạn sẽ được lựa chọn xem hoặc không xem thư giới thiệu, mình thì không xem thư nào vì 100% tin tưởng vào các sếp cũ. Như vậy, nếu bạn nộp 10 trường thì mỗi sếp sẽ phải làm 10 thư giới thiệu không cái nào giống cái nào và ở đây là trả lời câu hỏi trực tiếp của trường, rất nhiều câu hỏi cả tự luận và trắc nghiệm chứ không phải rập khuôn. Vì vậy trước khi xin học hãy trao đổi rõ ràng với các sếp về việc này, và hãy ghi nhớ rằng để viết thư giới thiệu cho bạn, các sếp đã mất khá nhiều thời gian, tư duy và công sức, đừng quên những đóng góp của họ.
6. Bài luận Đây là phần được nhắc đến nhiều nhất trong các ví dụ về học bổng mà các bạn vẫn thường đọc trên sách báo. Tuy nhiên, bài luận nộp học của MBA rất khác so với dạng bài luận vào đại học, việc viết bài luận về không khí nồm ẩm của Hà Nội, bố mẹ chia tay, chiếc bàn gãy 1 chân, v.v… để thi vào MBA là không có. – Về nội dung: thường các bạn sẽ phải trả lời những câu hỏi dạng: Vì sao học MBA, vì sao chọn trường này, vì sau thời điểm này đi học MBA, bạn có điểm mạnh/điểm yếu gì, bạn sẽ đóng góp gì cho trường, bạn có đặc điểm gì nổi bật, kế hoạch dài/ngắn hạn của bạn là gì, bạn sẽ làm gì cụ thể để đánh giá và thực hiện những kế hoạch đó, v.v… Mỗi trường sẽ hỏi 1-8 câu, độ dài do trường quy định. MBA đánh mạnh vào sự hiệu quả trong khả năng truyền đạt nên thường giới hạn độ dài của bài luận, qua mỗi năm độ dài này càng bị cắt đi. Bạn hãy trả lời cụ thể, trực diện, ngắn gọn, dễ hiểu, đúng trọng tâm, thể hiện được tư duy và tố chất lãnh đạo, và lưu ý không được viết sai chính tả. – Về hình thức: hầu hết (~100%) các trường sẽ yêu cầu viết bài luận và tải lên dưới dạng PDF. Ngoài ra một số trường sẽ yêu cầu bạn nộp bài luận dạng video, nghĩa là bạn nộp video của bạn trả lời một vài câu hỏi cho trước hoặc trong đơn xin học online sẽ có phần thu video trực tiếp, không dừng lại, không cắt ghép. Bạn cần trả lời nghiêm túc, rành mạch rõ ràng, tác phong chuyên nghiệp và ăn mặc gọn gàng.
8. Các mục khác Một số trường có thể yêu cầu thêm các mục như chứng minh tài chính, nghĩa là bạn phải nộp sao kê số dư tài khoản ngân hàng để đảm bảo bạn có thể chi trả cho tất cả học phí, chi phí ăn ở và các chi phí khác tối thiểu cho năm học đầu tiên. Như mình đã nói, học phí MBA rất đắt nên nhiều khi số tiền bạn phải chứng minh lên tới $70,000 (~1.6 tỷ VNĐ) là chuyện rất bình thường. Vì vậy bạn hãy kiểm tra xem trường có yêu cầu không, nếu yêu cầu thì nộp sau khi trừ đi học bổng được không. Nếu là mình, chắc chắn mình không thể nộp vào những trường yêu cầu như vậy vì đơn giản là mình không có đủ tiền.